Tiểu vùng Đồng Tháp Mười: Liên kết để phát triển bền vững

AN PHƯƠNG| 28/11/2017 01:33

Từ ngày 24 - 29/11/2017, tại TP. Tân An diễn ra Hội chợ - Triển lãm Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của 3 tỉnh Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang thuộc tiểu vùng Đồng Tháp Mười. Sự kiện này là "bước thử" sự liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười với 22 huyện có cùng hệ sinh thái đất ngập nước.

Tiểu vùng Đồng Tháp Mười: Liên kết để phát triển bền vững

Sau 30 năm khai phá, Đồng Tháp Mười trở thành vùng sản xuất lương thực lớn với diện tích trồng lúa 350.000ha trên diện tích tự nhiên 700.000ha, sản lượng hơn 3 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, đời sống vật chất và tinh thần của người dân chưa cao, vấn đề quản lý tài nguyên đất ngập nước và đa dạng sinh học chưa có tính bền vững, nông sản cạnh tranh kém hiệu quả, kênh mương, đường sá thiếu đồng bộ, nguồn nước chưa được phân bổ hợp lý, tuyến điểm du lịch lẻ tẻ, không thu hút được nhiều du khách... Vì thế việc liên kết tiểu vùng để khắc phục tình trạng ấy và hỗ trợ, tạo điều kiện cùng nhau phát triển càng trở nên cấp bách.

Sau gần một năm chuẩn bị Đề án Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, giữa tháng 9 vừa qua, lãnh đạo 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang cùng đơn vị tư vấn là Trường Đại học Cần Thơ đã thống nhất 5 chương trình liên kết nhằm phát huy các giá trị bản địa và hệ sinh thái ngập nước, gồm tái cơ cấu nông nghiệp để xây dựng thương hiệu nông sản chung của Đồng Tháp Mười bên cạnh những thương hiệu nông sản riêng của từng tỉnh, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển du lịch sinh thái, phát triển cơ sở hạ tầng, kêu gọi đầu tư.

Trong 5 chương trình liên kết thì chương trình phát triển Đồng Tháp Mười thành một trong những vùng sản xuất, xuất khẩu nông sản trọng điểm của cả nước là quan trọng nhất. Cả 3 tỉnh thuộc tiểu vùng, ngoài thế mạnh chung là lúa gạo, mỗi tỉnh có những loại nông sản đặc thù, ở Long An là thanh long, khóm, bò thịt; ở Đồng Tháp là xoài, cá tra, hoa kiểng, vịt; ở Tiền Giang là thanh long, vú sữa, nhiều loại thủy sản quý.

Để liên kết thành công, trước mắt cả 3 tỉnh có kế hoạch nạo vét các tuyến kênh trục quan trọng, xây dựng cống ngăn mặn, trữ ngọt, chia sẻ nguồn nước hợp lý, nâng cấp các tuyến giao thông trọng điểm, đồng thời tiếp tục xây dựng một số mô hình thí điểm trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng và giá trị nông sản trên một hécta đất canh tác với mức tăng từ 3 - 4 triệu đồng so với năm 2014; ưu tiên cải tiến chuỗi giá trị về lúa gạo, xoài, cá tra, sen, cây dược liệu, nâng cao chất lượng trái thanh long, khóm, vú sữa đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Muốn vậy phải sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao với những cánh đồng lúa lớn, những trang trại cây ăn trái lớn; chăn nuôi sạch, tập trung, thành lập nhiều trang trại bò, vịt, khoanh vùng nuôi thủy sản bằng lồng bè và ao. Theo lãnh đạo của ba tỉnh, cái khó nhất để sản xuất nông sản sạch, tập trung là nguồn vốn. Vì thế, 3 tỉnh phải có chính sách chung để kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với các nhà đầu tư trong và ngoài tiểu vùng, kể cả nhà đầu tư nước ngoài là cách tốt nhất để đẩy nhanh chương trình này.

Trước đây, khi dòng Mekong chưa bị hàng chục đập thủy điện của Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Camuchia chặn dòng, hằng năm Đồng Tháp Mười nhận được một lượng nước và phù sa khổng lồ. Trước đây, khi nguồn tài nguyên chưa bị khai thác quá mức để trồng lúa, Đồng Tháp Mười có hệ sinh thái động thực vật rất phong phú.

Do hệ sinh thái khác nhau, để phát triển bền vững, Đồng bằng sông Cửu Long có 4 tiểu vùng liên kết: tiểu vùng Đồng Tháp Mười, tiểu vùng Tây sông Hậu, tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên, tiểu vùng bán đảo Cà Mau.

Ngày nay tiểu vùng này chỉ còn Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười (Tiền Giang), Vườn Quốc gia Tràm Chim, Khu Du lịch sinh thái Gáo Giồng (Đồng Tháp), Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, Khu Du lịch làng nổi Tân Lập, Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười (Long An) là giữ được phần nào cảnh quan vùng đất phèn trũng với cây tràm là chủ yếu cùng vài trăm loài chim, loài cá vốn có của sông Me Kông, của Đồng bằng sông Cửu Long.

Dù không nhiều, nhưng những khu bảo tồn cảnh quan thiên nhiên ấy là vô cùng quý giá, là sản phẩm du lịch sinh thái không thể thiếu của Đồng Tháp Mười. Vì thế mà một trong những nội dung quan trọng của liên kết tiểu vùng là 3 tỉnh phải kết nối các khu bảo tồn đa dạng sinh học, hình thành sớm tour du lịch "Một hành trình, ba điểm đến".

"Một hành trình" là du khách xuyên Đồng Tháp Mười để được trải nghiệm 6 sản phẩm du lịch độc đáo của cả 3 tỉnh, tức "ba điểm đến", và như vậy, ngoài nghỉ ngơi, thư giãn, đã khám phá được phần nào một vùng đất có nhiều món ngon dân dã nhất nước từ nguồn thực phẩm không phải nuôi, trồng.

Muốn liên kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười thành công, không thể không gắn kết với TP.HCM, bởi TP.HCM với khoảng 10 triệu dân là thị trường tiêu thụ nông - thủy sản, sản phẩm chăn nuôi rất lớn, đủ giúp nông dân 3 tỉnh làm giàu.

Trong cuộc họp mới đây giữa lãnh đạo Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang và lãnh đạo TP.HCM cùng một số chủ doanh nghiệp, ông Tất Thành Cang - Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM đề nghị các doanh nghiệp TP.HCM tăng cường kết nối với các tỉnh Đồng Tháp Mười bằng cách đầu tư nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp vì đây là vùng có nguồn nguyên liệu nông sản dồi dào nhưng còn trở ngại khi đưa về TP.HCM tiêu thụ, chi phí cao, tỷ lệ hao hụt lớn.

Tham gia vào mối liên kết tiểu vùng, ông Tất Thành Cang nhấn mạnh: TP.HCM sẽ tiếp tục phát triển cơ khí phục vụ nông nghiệp, chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho các tỉnh Đồng Tháp Mười. Sở Du lịch TP.HCM và các doanh nghiệp du lịch 3 tỉnh bạn phải cùng thiết kế các tour du lịch để đảm bảo chương trình "Một hành trình, ba điểm đến" thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tiểu vùng Đồng Tháp Mười: Liên kết để phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO