Mở cửa cho người nhập cư - giải pháp cho tình trạng dân số già?

KHỞI VŨ| 09/11/2017 09:57

Sau thời gian áp dụng các chính sách kiểm soát bùng nổ dân số, giờ đây, nhiều quốc gia trên thế giới đang "đau đầu" khi phải đối diện với nhiều gánh nặng về kinh tế cũng như an sinh xã hội gây ra bởi "dân số già".

Mở cửa cho người nhập cư - giải pháp cho tình trạng dân số già?

Theo báo cáo "Già hóa Dân số Toàn cầu 2017" của Liên Hợp Quốc (LHQ), trong năm nay, dân số thế giới từ 60 tuổi trở lên đã đạt 962 triệu người, gấp 3 lần so với năm 1980. Dự báo, đến năm 2050, số người cao tuổi sẽ tiếp tục được nhân đôi, xấp xỉ 2,1 tỷ người.

Già hóa dân số đã và đang là hiện tượng mang tính toàn cầu. Theo LHQ, từ nay cho đến năm 2050, gần như toàn bộ các quốc gia trên thế giới đều sẽ phải đối mặt với quá trình này, trong đó châu Âu và Bắc Mỹ là 2 khu vực chịu tác động rõ rệt nhất. Vào năm 2050, người cao tuổi sẽ chiếm 35% dân số châu Âu, 28% Bắc Mỹ, 24% châu Á, 23% châu Đại Dương và 9% ở châu Phi.

Các con số trên là kết quả khó tránh khỏi của sự chuyển dịch cơ cấu dân số đang diễn ra trên toàn cầu. Tiến sĩ Natalia Kanem - Giám đốc Quỹ Dân số LHQ cho biết: "Già hóa dân số không còn là hiện tượng của riêng nước phát triển mà bắt đầu gia tăng rất nhanh tại cả các nước đang phát triển. Tới năm 2050, 80% người già sẽ sống ở các nước mà hiện vẫn chỉ đang có mức thu nhập thấp hoặc trung bình".

Dân số già bắt nguồn từ tỷ lệ sinh thấp sẽ kéo theo giảm thiểu lực lượng lao động. Tính ra thì cứ 1% giảm thiểu trong lực lượng lao động sẽ tương đương với 1% giảm tăng trưởng kinh tế. Kết quả là, nền kinh tế không thể duy trì tốc độ tăng tưởng lý tưởng như nhiều thập kỷ trước vì thiếu nhân lực.

>>Già hóa dân số tại Trung Quốc - mối lo toàn cầu

Dân số sống thọ hơn cũng đem lại gánh nặng về phúc lợi và an sinh xã hội cho người cao tuổi. Bên cạnh đó, theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), dân số già trong thời gian tới sẽ mang đến những điểm mất cân bằng: dù người ta ngày càng sống thọ hơn và làm việc dài hơn nhưng cũng đối mặt với tình trạng thất nghiệp lâu hơn và thu nhập thấp cũng như thiếu người để chăm sóc vào lúc xế chiều.

Để khắc phục tình trạng mất cân bằng trên, OECD khuyến khích thúc đẩy dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tạo việc làm cho người già, chế độ lương hưu hợp lý, chính sách nhà ở hợp túi tiền cũng như hỗ trợ chăm sóc lão niên. Việc thay thế nhân công bằng máy móc và công nghệ cũng sẽ giúp giải quyết vấn đề thiếu lao động tuy chưa phải là biện pháp tối ưu.

Theo giáo sư Vinod Thomas, nguyên Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới, thì già hóa dân số có xuất phát từ việc giảm tỷ lệ sinh. Nhưng việc thúc đẩy người dân sinh con để tăng nhân lực lại không phải là cách hữu hiệu. Singapore, Nhật Bản hay một số nước châu Âu đều đã không thành công với chiến lược này. Đặc biệt với châu Á, khi mà mật độ dân cư ở thành phố dày và nguồn lực khan hiếm thì "nhà đông con" chỉ làm tình trạng tệ hơn mà thôi.

Ông Vinod cũng cho biết một trong các hướng đi khả quan là tạo chính sách mở cửa cho người nhập cư. Với xã hội già, nhân lực trẻ đổ vào giúp giảm áp lực của hệ thống hưu trí và gánh nặng chăm sóc người cao tuổi. Thực tế cũng chứng minh cho tính hiệu quả của biện pháp này khi tại Mỹ, chính người nhập cư là nhân tố đã tạo ra những cái tên như Google, Intel, PayPal và eBay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mở cửa cho người nhập cư - giải pháp cho tình trạng dân số già?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO