Trung Quốc: Vốn ngoại tháo chạy có cản trở cải cách thị trường?

03/11/2015 00:03

Theo dữ liệu của Bloomberg, giới đầu tư đã rút 194 tỷ USD khỏi Trung Quốc trong tháng 9, nâng tổng mức vốn ngoại rút khỏi nước này từ đầu năm đến nay lên đến 669 tỷ USD.

Trung Quốc: Vốn ngoại tháo chạy có cản trở cải cách thị trường?

Trung Quốc đã phát tín hiệu cho thấy không để lượng vốn ròng kỷ lục rút khỏi nước này trong năm 2015 cản trở các cải cách thị trường vốn, theo hãng tin Bloomberg.

Hôm thứ Sáu tuần trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) tuyên bố sẽ cân nhắc áp dụng một chương trình thử nghiệm ở khu mậu dịch tự do Thượng Hải, theo đó cho phép người dân trực tiếp mua tài sản ở nước ngoài và mở cửa giao dịch trái phiếu bằng đồng Nhân dân tệ (CNY) cho các công ty nước ngoài.

Các sáng kiến khác trong kế hoạch này bao gồm cho phép các công ty Trung Quốc giao dịch các sản phẩm phái sinh và mở công ty chứng khoán liên doanh với đối tác nước ngoài.

Các biện pháp này được công bố trong bối cảnh vốn rút khỏi Trung Quốc với tốc độ kỷ lục kể từ sau khi nước này bất ngờ phá giá đồng CNY hồi tháng 8 và thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt giảm chóng mặt mùa hè năm nay.

Theo dữ liệu của Bloomberg, giới đầu tư đã rút 194 tỷ USD khỏi Trung Quốc trong tháng 9, nâng tổng mức vốn ngoại rút khỏi nước này từ đầu năm đến nay lên đến 669 tỷ USD.

“Có nhiều ý kiến cho rằng nếu nền kinh tế giảm tốc và thị trường biến động, Trung Quốc sẽ từ bỏ việc cải cách”, ông Andy Rothman, chiến lược gia về đầu tư thuộc quỹ Matthews Asia ở San Francisco, phát biểu. “Nhưng tôi không cho đó là cách nhìn nhận vấn đề của Chính phủ Trung Quốc. Họ không lo ngại về quy mô tháo chạy của các dòng vốn”.

Tuyên bố ngày thứ Sáu của PBoC đã giúp đồng CNY có phiên tăng giá mạnh nhất trong một thập niên. Tỷ giá đồng tiền này giao dịch tại thị trường Trung Quốc đại lục tăng 0,6%, đạt mức 6,3175 CNY đổi 1 USD.

Ngoài ra, tuyên bố của PBoC được cho là sẽ hỗ trợ mạnh cho nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đưa đồng CNY vào giỏ tiền tệ quyền rút vốn đặc biệt (SDR), đồng nghĩa với việc đồng tiền này trở thành đồng tiền dự trữ.

Không chỉ mang ý nghĩa lớn về chính trị, việc đồng CNY trở thành đồng tiền dự trữ còn mở đường cho các công ty Trung Quốc tiếp cận dễ dàng hơn với các dòng vốn nước ngoài.

Giới phân tích cho rằng, thị trường CNY đã bình ổn trở lại kể từ đợt biến động hồi tháng 8 có thể là cơ sở để các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc tự tin thúc đẩy tiến trình tự do hóa thị trường vốn.

Các nhà giao dịch đến nay đã giảm bớt kỳ vọng về sự mất giá của đồng CNY. Tỷ giá đồng CNY kỳ hạn 12 tháng hiện chỉ thấp hơn khoảng 2% so với tỷ giá tham chiếu, từ chỗ thấp hơn khoảng 5% vào thời điểm tháng 8.

Tỷ giá đồng CNY trên thị trường quốc tế hiện xấp xỉ ngang bằng với tỷ giá tại thị trường Trung Quốc đại lục. Hồi tháng 8, sau động thái phá giá đồng tiền đầy bất ngờ của PBoC, tỷ giá CNY thị trường quốc tế thấp hơn ở đại lục với mức chênh lệch kỷ lục.

Theo Bloomberg, điều này cho thấy Trung Quốc đang dần đạt mục tiêu hợp nhất hai tỷ giá - một mục tiêu mà IMF nói là sẽ mở rộng hơn khả năng cho đồng CNY trở thành đồng tiền dự trữ thứ 5.

Trong tháng 8 và tháng 9, PBoC sử dụng 137 tỷ USD trong dự trữ ngoại hối để can thiệp và thị trường ngoại hối nhằm giữ giá đồng CNY trong bối cảnh các dòng vốn tháo chạy. Hiện Trung Quốc vẫn nắm giữ mức dự trữ ngoại hối khoảng 3,5 nghìn tỷ USD.

Theo đánh giá của ngân hàng Standard Chartered, các công ty Trung Quốc đã trả bớt một số khoản vay bằng USD, nên nhu cầu USD của các doanh nghiệp nước này sẽ giảm xuống và tốc độ rút vốn khoản Trung Quốc sẽ chậm lại trong thời gian tới.

>Trung Quốc: Vốn ngoại ồ ạt tháo chạy

>BĐS 2015: Trở lại thay vì tháo chạy

>Tháo chạy khỏi Trung Quốc vì ô nhiễm, chính sách

>Những cuộc tháo chạy ngàn tỷ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trung Quốc: Vốn ngoại tháo chạy có cản trở cải cách thị trường?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO